Triệu Quân – Bài thơ ‘Xuân tha hương’ của Nguyễn Bính

* Phiếm luận ngày Tết

Xuân tha hương

Nguyễn Bính – Gửi chị Trúc

Tết này chưa chắc em về được 
Em gửi về đây một tấm lòng 
Ôi, chị một em, em một chị 
Trời làm xa cách mấy con sông 
Em đi trăng gió đời sương gió 
Chị ở vuông tròn phận lãnh cung 
Chén rượu tha hương, trời: đắng lắm 
Trăm hờn nghìn giận một mùa đông 
Chiều nay ngồi ngắm hoàng hôn xuống 
Nhớ chị làm sao, nhớ lạ lùng... 
Tết này chưa chắc em về được 
Em gửi về đây một tấm lòng 
Vườn ai thấp thoáng hoa đào nở 
Chị vẫn môi son vẫn má hồng? 
áo rét ai đen mà ngóng đợi 
Còn vài hôm nữa hết mùa đông! 
Cột nhà hàng xóm lên câu đối 
Em đọc tương tư giữa giấy hồng 
Gạo nếp nơi đây sao trắng quá 
Mỗi ngày phiên chợ lại thêm đông 
Thiên hạ đua nhau mà sắm Tết 
Một mình em vẫn cứ tay không 
Vườn nhà Tết đến hoa còn nở 
Chị gửi cho em một cánh hồng 
Tha hương chẳng gặp người tri kỷ 
Một cánh hoa tươi đủ ấm lòng 
Tết này chưa chắc em về được 
Em gửi về đây một tấm lòng... 
Chao ơi, Tết đến em không được 
Trông thấy quê hương thật não nùng 
Ai bảo mắc duyên vào bút mực 
Sòng đời mang lấy số long đong 
Người ta đi kiếm giàu sang cả 
Mình chỉ mơ hoài chuyện viễn vông 
Em biết giàu sang đâu đến lượt 
Nợ đời nặng quá gỡ sao xong? 
Tết này chưa chắc em về được 
Em gửi về đây một tấm lòng 
Tết này, ô thế mà vui chán 
Nhưng một mình em uống rượu nồng 
Đò ngang bến dọc tha hồ đấy 
Quý hoá gì đâu một chữ đồng! 
Vâng, em trẻ dại, em đâu dám 
Thôi, để người ta được kén chồng 
Thiếu nữ hoài xuân mơ cát sĩ 
Chịu làm sao được những đêm đông 
Khốn nạn, tưởng yêu thì khó chứ 
Không yêu thì thực dễ như không! 
Chị ơi, Tết đến em mua rượu 
Em uống cho say đến não lòng 
Uống say cười vỡ ba gian gác 
Ném cái chung tình xuống đáy sông 
Thiên hạ "chi nghinh Nam Bắc điểu"
Tình đời "Diệp tống lãng lai phong"
Tết này chưa chắc em về được 
Em gửi về đây một chút lòng 
Sương muối gió may rầu rĩ lắm 
Còn vài hôm nữa hết mùa đông 
Xuân đến cho em thêm một tuổi 
Thế nào em cũng phải thành công 
Em không khóc nữa, không buồn nữa 
Đây một bài thơ hận cuối cùng 
Không than chắc hẳn hồn tươi lại 
Không khóc tha hồ đôi mắt trong 
Chị ơi, Em Cưới Mùa Xuân nhé? 
Đốt pháo cho thơm với rượu hồng 
Xa nhà xa chị tuy buồn thật 
Cũng cố vui ngang gái được chồng 
Em sẽ uống say hơn mọi bận 
Cho hồn về tận xứ Hà Đông 
Tết này chưa chắc em về được 
Em gửi về đây một tấm lòng 
Với lá thư này là tất cả 
Những lời tâm sự một đêm đông 
Thôn gà eo óc ngoài xa vắng 
Trời đất tàn canh tối mịt mùng 
Đêm nay em thức thi cùng nến 
Ai biết tình em với núi sông 
Mấy sông mấy núi mà xa được 
Lòng chị em ta vẫn một lòng 
Tết này chưa chắc em về được 
Em gửi về đây một tấm lòng 
Cầu mong cho chị vui như Tết 
Tóc chị bền xanh, má chị hồng 
Trong mùa nắng mới sầu không đến 
Giữa hội hoa tươi ấm lại lòng 
Chắc chị đời nào quên nhắc nhở: 
- Xa nhà, rượu uống có say không?

1 (2)Bài thơ “Xuân Tha Hương”của cố thi sĩ Nguyễn Bính đã gửi gấm nỗi lòng của một người tha hương đón Xuân ăn Tết nơi xứ lạ với những lời tâm sự nhắn nhủ tuy đơn sơ mộc mạc nhưng tràn đầy chân tình, thiết tha hoài nhớ khung cảnh kỷ niệm ngày Xuân nơi cố hương của một thời thanh bình yên ấm xa xưa …

Trong ý nghĩa hoài Xuân nhớ Tết qua tâm sự nói trên, chúng tôi xin được cùng quý độc giả tản mạn đôi dòng về những chuyện Phiếm Sự Ngày Xuân.

Nam ta vốn có nhiều ngày Tết như Thượng Nguyên, Trung Nguyên, Hạ Nguyên, Đoan Ngọ, Trung Thu, Thanh Minh v.v…, nhưng khi nói đến ngày Tết thì ai cũng hiểu rằng đó là Tết Nguyên Đán, tức là ngày đầu năm tính theo Âm lịch.

Từ ngữ nguyên gốc của chữ Tết được viết là Tiết, tức Lễ Tiết và dần dần theo thói quen trong lối văn nói truyền khẩu đã được nói vắn tắt lại thành Tết. Trong dịp Tết, người VN có rất nhiều phong tục tập quán được xem là truyền thống văn hóa tốt đẹp lâu đời mà không một chế độ toàn trị hoặc một thể chế nhân danh một chủ nghĩa ngoại lai nào đó dám xúc phạm hay cải đổi như: khai bút, hái lộc, xin xăm, bói quẻ, chúc Tết, du Xuân, mừng thọ, lì xì v.v… Và cũng không biệt giai tầng sang hèn hay giầu nghèo trong xã hội, tất cả mọi người đều chuẩn bị đón Tết qua các bánh pháo, cành hoa, cặp rượu, mâm quả v.v…với tất cả thành tâm thành ý để tưởng nhớ gia tộc tổ tiên và cầu nguyện những điều may mắn tốt lành trong dịp tiễn chào năm cũ, đón mừng năm mới thường gọi một cách “văn nho”là Tống Cựu Nghênh Tân.

Đặc biệt hơn, không khí vừa nhộn nhịp vừa nghiêm trang, vừa phấn khởi vừa khẩn trương của ngày Tết không phải chỉ bắt đầu vào ngày mồng Một tháng Giêng mà thực sự đã rộn ràng háo hức từ ngày 23 tháng Chạp (tháng 12 cuối năm), tức ngày đưa Ông Táo Về Trời hay còn gọi là đưa Táo Quân về trời

Nghi thức đưa Ông Táo Về Trời cũng là một tập tục không thể thiếu trong truyền thống ăn Tết của người Việt. Ông Táo được xem như là vị thần cai quản thế giới bếp núc gọi tắt là Vua Bếp (dĩ nhiên ý nghĩa của Vua Bếp không phải là một tay đầu bếp xuất sắc vượt trội). Theo truyền thuyết thì Vua Bếp gồm có 2 ông 1 bà cứ mỗi dịp cuối năm sẽ về chầu Thượng Đế để tấu trình tất cả những chuyện xảy ra trong năm. Và để tỏ lòng thành kính, người ta cử hành lễ tiễn đưa Táo Quân bằng mâm cỗ cúng bái và bộ vàng mã gồm áo mão và 3 con cá chép vì người xưa tin rằng cá chép sẽ hóa thành rồng đưa Táo Quân về trời. Có lẽ qua phong tục này mà trong văn chương ca dao của nước ta còn truyền tụng lại câu thơ:

"Thế gian một vợ hai chồng
Chẳng như Vua Bếp hai ông, một bà!"

Theo âm lịch, sự vận hành của chu kỳ ngày tháng năm được tính theo đơn vị của Thập Nhị Chi và Thập Can, tức 12 con giáp gồm Tí, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tỵ , Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi và 10 can gồm Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỹ, Canh, Tân, Nhâm, Quý. Tết năm nay tính theo âm lịch thì đúng vào ngay chi cuối của Thập Nhị Chi và can thứ 4 nên gọi là Tết năm Đinh Hợi .

Qua biểu tượng “12 con giáp”cầm tinh cho từng động vật là Chuột, Trâu, Cọp, Mèo, Rồng, Rắn, Ngựa, Dê, Khỉ, Gà, Chó, Heo, ta thấy Hợi là chi cuối cùng kết thúc cho 1 chu kỳ biến đổi tuần hoàn. Phải chăng là do đặc tính bẩm sinh của chú “lợn”ủn ỉn nhà ta là chỉ có ăn rồi ngủ, tức so với các gia súc khác, heo là giống vật có “số”sung sướng, thảnh thơi, ăn no ngũ kỹ nên đã được người xưa chọn làm biểu tượng chấm dứt với hàm ý số kiếp con người cuối cùng sẽ “qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai chăng?

Dù đó chỉ là những suy đoán dựa theo các sách vở đã thất truyền, nhưng nếu nói về các chú hậu duệ con cháu của Thiên Bồng Nguyên Soái Trứ Bát Giới trong truyện thần thoại giả tưởng “Tây Du Ký”thì trong kho tàng văn chương VN ta từ trường phái thi ca ưu nhã cho đến trường phái bình dị dân gian cũng không thiếu gì đề tài bàn luận.

Chẳng hạn như khi ám chỉ những hạng người xấu xa độc ác, mất hết nhân tính bản thiện như đám lợn xôi thịt trong chuồng heo “Bắc Bộ Phủ”thì dân ta có câu:

“đâm heo thuốc chó”

Hoặc trong sinh hoạt ẩm thực hàng ngày, heo cũng được nhắc nhở đến qua các bí quyết “công thức làm bếp được lưu truyền từ kinh nghiệm ngàn xưa như:

"Con gà cục tác lá chanh
Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi
Con chó khóc đứng khóc ngồi
Mẹ ơi đi chợ mua tôi củ riềng"

Chẳng những thế, có nhiều chàng năm thê bảy thiếp cũng phải thốt lời tâm sự cùng các chú lợn rằng:

"Một vợ thì nằm giường lèo
Hai vợ thì nằm chèo queo
Ba vợ thì xuống chuồng heo mà nằm
Nhìn heo anh thấy tủi thân
Vì heo còn có người bồng người bê
Còn anh phải kiếp đa thê
Chuồng heo anh ngủ tỉ tê cùng mày
Kiếp sau mong chớ như vầy
Thà làm con lợn suốt ngày được no!"

Ngược lại, cũng có những anh chàng độc thân mượn chuyện nuôi heo chăn lợn mà ví von chuyện cưới vợ như sau:

"Nuôi lợn thì phải vớt bèo
Lấy vợ thì phải trèo đèo vượt sông
Lấy vợ chẳng khác đeo gông
Nhưng gông đeo cổ còn hơn một mình "

Kế đến, các cô gái cũng chẳng chịu thua kém gì khi đưa ra hình ảnh tuy bận rộn công việc chăm lo nhà cửa, bếp núc nhưng vẫn cố gắng làm tròn bổn phận với người chồng:

"Đang khi lửa tắt cơm sôi
Lợn đói, con khóc, chồng đòi..tòm tem
Bây giờ lửa đã cháy rồi
Lợn no, con nín, tòm tem thì..tòm "

Trong văn đàn Cổ Văn VN, thi phẩm “Lục Súc Tranh Công”được soạn cho lối hát vở tuồng biến thể từ dạng thơ Song Thất gồm 570 câu đã diễn tả nội dung câu chuyện của 6 loại gia súc: trâu, chó, ngựa, dê, gà, lợn tranh nhau kể công rất thú vị, trong đó có đoạn lợn kể công như sau:

"Kìa những việc hôn nhân giá thú
Không heo ra tính đặng việc chỉ
Dầu cho mời năm bảy chuyến đi
Cũng không thấy một người thấp thoáng
Việc hòa giải heo đầu công trạng
Thấy mặt heo nguôi da oán thù"

Rồi gà lại chê lợn rằng:

"Heo ăn rồi ngủ ngáy sì sì
Giả ngây dại biết gì về chủ?
Ngắm diện mạo dị hình, dị thú
Xem dung nhan khác thế lạ đời
Như nuôi chơi chẳng phải giống chơi
Chạy rau cám như tiền nội án"

Quả thật là những đoạn văn thơ có giá trị vừa châm biếm trào phúng vừa thâm ý lý lẽ sự đời thường đố kỵ tranh đua vị lợi, nhưng cũng đáng tiếc là cho đến nay vẫn chưa rõ tác giả của thi phẩm này là ai.

Cố thi hào Phan Khôi, một cây bút khét tiếng cương tháo, trung trực với những lý luận thực tiễn sắc bén từng vạch trần những sai lầm gian trá trọng vụ án Nhân Vân Giai Phẩm ở miền Bắc VN vào dịp Tết Bính Ngọ, tháng 2 năm 1956 qua bài viết “Phê Bình Lãnh Đạo Văn Nghệ”, cũng đã tự ví thân phận mình chẳng khác một con heo sống dưới chế độ CS rằng:

"Đánh đùng một cái
Kêu éc éc ngay
Bịt mồm, bịt miệng
Trói chân, trói tay"

Hơn nữa, trong những năm tháng cuối cùng của cuộc đời luôn khẳng khái, nhà văn Phan Khôi cũng đã có những bài viết tiểu luận ví von chế độ CS tại miền Bắc VN như những loại “cỏ bù xít”, “hoa cứt lợn”, hay “cây chó đẻ”. Trải qua gần 17 năm kể từ khi thiên đường chủ nghĩa xã hội tại Liên Xô sụp đổ vào năm 1990 kéo theo sự tan rã toàn bộ khối CS chư hầu Đông Âu trước những làn sóng đấu tranh mạnh mẽ cho lý tưởng Dân Chủ-Tự Do của người dân đã là một quy luật bất biến của lịch sử thế giới: có đàn áp sẽ có đấu tranh, các loại “cỏ bù xít”, “cây chó đẻ”hay “hoa cứt lợn”mà cụ Phan Khôi đã đề cập trong tinh thần đấu tranh triệt để chống lại bạo quyền CS của ông, đã vẫn còn đang mọc lan tràn trên đất nước tạ Chắc chắn rằng với tinh thần yêu nước thừa hưởng từ truyền thống hào hùng không khuất phục bạo lực của tiền nhân, sẽ có một ngày người dân VN cùng Đồng Tâm sát cánh bên nhau với dũng khí Diên Hồng nhổ sạch các loại hoa lá, cỏ cây ấy để vun trồng trên mảnh đất thân yêu của chúng ta những loại hoa thơm Nhân Bản tượng trưng cho sự yêu thương, công bình, bác ái. Đó cũng là thời kỳ mà chúng ta sẽ đón Xuân trên quê hương khi VN tiến vào giai đoạn Canh Tân, thịnh vượng và hạnh phúc.

Ngày ấy chắc cũng không còn bao xạ

Xin kính chúc quý độc giả một năm mới vạn sự như ý.

Một suy nghĩ 2 thoughts on “Triệu Quân – Bài thơ ‘Xuân tha hương’ của Nguyễn Bính”

  1. Em đọc bài này khoảng hơn 15 – 16 năm trước. Vẫn nhớ còn thiếu đoạn:
    “Rượu say nhớ chị hồi con gái
    Thương chị từ khi chị lấy chồng
    Cố nhân chẳng biết làm sao ấy
    Rặt những tin đồn chuyện bướm ong
    Thôi em chả dám đa mang nữa
    Chẳng buộc vào chân sợi chỉ hồng
    Nàng bèo bọt quá, em lăn lóc
    Chắp nối nhau hoài cũng uổng công
    Một trăm con gái đời nay ấy
    Đừng nói ân tình, nói thủy chung”

    Thích

Bình luận về bài viết này